IELTS SPEAKING – HIỂU THẾ NÀO CHO ĐÚNG?
Dù bạn là người mới bắt đầu học ielts, hay đã chinh chiến với Ielts trong 1 thời gian rồi, nhưng Nếu bạn nào đang ngồi trước máy vi tính và chuẩn bị đọc những chia sẻ bên dưới không ít thì nhiều bạn vẫn còn hoang man khi lần đầu tiếp xúc với IELTS hay đang trong giai đoạn chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Trước khi có những chia sẻ riêng cho từng phần, theo qui tắc tôi rất mong muốn các bạn tìm hiểu trước bản chất thực sự cho mỗi kỹ năng để trước khi giỏi kỹ năng thì hãy vững tinh thần để đối phó. Trên cơ sở đó, bài viết này có thể làm bạn thất vọng khi nó đơn thuần định hình lại hệ tư tưởng chung cho cả một chiến lược lâu dài.
ĐỐI CHIẾU
Nếu bạn nào có cơ hội tiếp xúc với TOEFL thì không khó để nhận ra hai điểm chung giữa IELTS và TOEFL. Thứ nhất, cả hai đều được phát triển nhằm đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ trong điều kiện giao tiếp quốc tế (cả nhu cầu học tập và làm việc trong lẫn ngoài nước). Thứ hai, để có được sự đánh giá toàn diện thì cả bốn kỹ năng bắt buộc phải được vận dụng, trong đó kiến thức tổng quát và học thuật được thiết lập đồng thời.
Sự khác biệt duy nhất đến từ phương pháp. TOEFL tiếp cận người học theo hướng dàn trãi (extensive) trong khi IELTS lại chú trong đến tính chuyên sâu (intensive). Chính sự khác biệt này, theo tôi nghĩ dẫn đến việc TOEFL bố trí nội dung chặt chẽ, có tính gắn kết hơn để giúp người học không bị LẠC LỐI vì độ rộng của chủ đề; IELTS, ngược lại rời rạc theo từng kỹ năng, bởi độ sâu vấn đề mới là tâm điểm.
Quay trở lại với phần thi nói, cả hai đều đứng trên cùng một quan điểm về cách bố trí câu hỏi: từ thấp đến cao (order of importance). Nội dung các câu hỏi lần lượt dẫn dắt người thi đi từ các vấn đề dễ tiếp cận, quen thuộc đời thường (familiar) đến những đề tài trừu tượng đòi hỏi năng lực tưởng tượng (imagination power) và sự cảm nhận sâu sắc (profound understanding). Sự sắp xếp này không quá khó hiểu bởi nó tạo cho người thi một tâm lý chuẩn bị tốt hơn, dễ chấp nhận hơn.
Trong khi TOEFL chọn hình thức thi trên máy thì IELTS vẫn trung thành với cách thi trực diện (typical face-to-face communication). Trong vòng 20 phút với 6 câu hỏi, TOEFL Speaking cho chúng ta cảm giác đi từ chỗ DEPENDENT đến INTEGRATED. Nói nôm na là lúc đầu thuần tý hỏi và trả lời nhưng dần về sau là sự kết hợp giữa đọc-nói, nghe-nói. Đây chính là ưu điểm vượt trội của TOEFL: sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các kỹ năng. Trong khi đó, IELTS Speaking xuyên suốt ba phần thi vẫn là sự tương tác (INTERACTIVE) dưới dạng một bài phỏng vấn hỏi-trả lời trong giới hạn thời gian ngắn hơn 5 phút so với TOEFL. Ngoài ra, nội dung câu hỏi ít thể hiện sự phỏng đoán (less predictable questions) nhưng lại nhiều ứng dụng thực tiễn hơn (more practical implcations) nếu đem so với việc giao tiếp thông qua máy tính.
2. SỰ TƯƠNG TÁC
Công thức chung của cả ba phần thi IELTS Speaking có thể được hiểu như sau: TYPICAL INTERACTION – INTERACTION-FREE – ENHANCED INTERACTION. Đây có thể xem là nét độc đáo của IELTS Speaking bởi nó cho chúng ta thấy một sự thỏa thuận ngầm (implicit agreement) giữa giám khảo (examiner) với người đi thi (examinee). Trong phần một (Part 1, 4-6 minutes), ngoài thông tin cá nhân, người nói còn trình bày sở thích và những thói quen đời thường. Phần lớn học viên đều cảm thấy dễ hòa nhập và kích hoạt khả năng thường thức. Phần này đúng nghĩa là phiên vấn đáp (question-answer session) với vai trò chủ động thuộc về giám khảo.
Phần hai (Part 2, 3-4 minutes), vai trò giám khảo được nới lỏng để học viên tập trung diễn đạt một cách tự nhiên, không áp lực. Có rất nhiều ý kiến trái chiều về ý nghĩa của 1 phút chuẩn bị. Tại sao không phải là 2 hay 3 phút? Trong lập luận về ngữ nghĩa học (theo tôi tự tìm hiểu) thì 1 phút đã là đủ để đảm bảo hai nhân tố quan trọng ở mức học thuật: tính lưu loát (fluency) và phức tạp (complexity). Nhưng với kinh nghiệm cá nhân, tôi có thể nói trong vòng 1 phút đó giám khảo muốn người nói mường tượng ra những thông điệp mà họ muốn truyền tải hơn là làm thế nào để trình bày nó. Nói như vậy cũng đồng nghĩa với việc 1 phút đó phần lớn chỉ có ý nghĩa về mặt ngôn ngữ học chứ không phải thời gian vật lý.
Đến phần ba (Part 3, 4-5 minutes) của ielts speaking, giám khảo quay lại vai trò giám sát nhưng có phần gắt gao hơn khi những chủ đề được hỏi phức tạp đòi hỏi cả kiến thức lẫn khả năng xử lý tình huống. Bản thân tôi thì lại nghiêng về khả năng xử lý thông tin hơn là nội dung. Nếu quan sát kỹ bạn sẽ thấy những câu hỏi trong phần này được trình bày theo lối giả định, không thật ở hiện tại theo kiểu Bạn suy nghĩ thế nào về nền giáo dục Việt Nam trong 50 năm tới? Nhiều bạn cho rằng phần thi này chẳng khác nào bắt chẹt người thi bởi trong tíc tắc rất khó để tưởng tượng. Thật sự bạn đã được gợi ý từ trước: phần hai và ba có liên kết về mặt nội dung với nhau. Ví dụ, bạn được yêu cầu trình bày một hoạt động lành mạnh bạn đang tham gia để cải thiện sức khỏe thì y như rằng phần ba tập trung khai thác đề tài thể thao (sports) hay giáo dục thể chất (physical education).
3. SỰ RÀNG BUỘC
Sự ràng buộc trong ielts speaking mà tôi muốn đề cập là sự ràng buộc về mặt văn hóa (culture-bound). Bài thi nói phần nào bị ảnh hưởng bởi những giới hạn cho phép về mặt văn hóa, chính trị, đạo đức theo từng khu vực địa lý. Đơn cử trường hợp sinh viên Việt Nam đi thì mà được hỏi những câu đại loại như Bạn cho rằng tham nhũng ảnh hưởng đến kinh tế như thế nào? hay Nếu là một nhà hoạch định chính sách thì bạn phải làm gì để giảm áp lực nhà ở Tp HCM? thì coi như thua. Một lý do đơn giản là chính trị hay tôn giáo là những đề tài nhạy cảm, không được tự do bàn luận nhiều như các quốc gia phương tây nên khi đề cập đến cảm thấy không thuận miệng hay tự nhiên cũng là điều khó tránh.
Trên đây chỉ là quan điểm cá nhân giúp các bạn phần nào hiểu được IELTS Speaking để có được một tâm lý thoải mái hơn khi học. Cần chia sẻ thêm các bạn hãy để lại comment bên dưới để cùng trao đổi nhé.
Võ Minh Sử – Chủ sáng lập Homeschooling English Center.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét